Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã thu hút được 37.238 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 447,65 tỷ USD đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với 9.666 dự án, có tổng vốn đăng ký 81,5 tỷ USD. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà đầu tư Hàn Quốc đã “rót” 666,52 triệu USD vào Việt Nam, đây là số vốn đăng ký của 167 dự án đầu tư mới, 122 dự án điều chỉnh vốn và 364 dự án góp vốn, mua cổ phần của các dự án đầu tư tại Việt Nam. Số liệu thống kê cũng cho thấy, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng trưởng liên tục trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, năm 2013, số vốn đầu tư Hàn Quốc chỉ đạt 3,8 tỷ USD, nhưng chỉ sau 1 năm đã tăng gần gấp đôi, với 6,1 tỷ USD vào năm 2014, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của VIệt Nam.
Trong nhũng năm gần đây nhiều hoạt động quảng bá, giao lưu và giới thiệu văn hoá giữa hai bên được đẩy mạnh như: tổ chức ngày văn hoá Hàn Quốc ở Việt Nam, hội chợ thương mại, liên hoan phim và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch khác... Người Hàn Quốc ngày càng biết nhiều đến đất nước Việt Nam và có nhu cầu du lịch, làm ăn, học tập tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng tiếng Hàn ở Việt Nam ngày càng tăng nhằm thúc đẩy đầu tư kinh tế, giao lưu văn hoá, giáo dục và xã hội giữa hai quốc gia này.
Trong khi đó, việc đào tạo nguồn nhân lực tiếng Hàn hiện nay còn chưa bắt kịp với nhu cầu của xã hội, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Theo khảo sát thì sinh viên tốt nghiệp tiếng Hàn thường có công việc ở mức ổn định cao, đạt khoảng 90% số sinh viên tốt nghiệp và thu nhập của họ cũng cao trên mức trung bình của người Việt Nam. Việc tìm hiểu nhu cầu cụ thể của các nhà tuyển dụng và tiến hành bổ sung, điều chỉnh nội dung dạy - học cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, có thể đáp ứng được tốt nhu cầu công việc.
Như vậy, nhu cầu sử dụng tiếng Hàn ở Việt Nam đế thúc đẩy đầu tư kinh tế, giao lưu văn hóa, giáo dục và xã hội giữa hai quốc gia là rất lớn. Trong ba thập kỷ qua do nhu cầu, việc dạy tiếng Hàn đã được thực hiện khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dưới hai hình thức: tiếng Hàn trong các trường Đại học cho các sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc và tiếng Hàn phổ cập cho xã hội trong các Trung tâm ngoại ngữ. Trên thế giới, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc có những chuyển biến mới theo chiều hướng tích cực, đặc biệt ở lĩnh vực đào tạo nền tảng của ngành học này là các ngôn ngữ phương Đông. Để thực hiện mục tiêu đáp ứng với nhu cầu hội nhập và phát triển hiện nay, Trường Đại học Đông Đô đã xây dựng được cơ sở vật chất, lực lượng giảng viên ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nhật (những ngành gần gũi với ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc) vững mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng - đủ đáp ứng đào tạo lên trình độ cao hơn; chương trình đào tạo được chuẩn hóa theo những xu hướng đào tạo tiên tiến của thế giới và gắn bó mật thiết với nhu cầu xã hội. Trong tình hình đó, Nhà trường chủ trương lập ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng phối họp đào tạo và nghiên cứu liên ngành, phát huy tối đa bản chất của ngành Ngôn ngữ cũng như bắt nhịp với nhu cầu xã hội với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và năng lực chuyên môn, giỏi ngoại ngữ cung cấp cho thị trường lao động.
Đặc biệt, trong ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, chúng tôi có thể phát triển ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam (khác với ngành “Việt Nam học” hiện nay của các trường, chuyên về du lịch, nhà hàng khách sạn). Chuyên ngành hẹp này sẽ giúp chúng tôi trao đổi sinh viên với các nước khác, tạo điều kiện để Khoa nhận sinh viên nước ngoài đến học tập, giao lưu, giúp sinh viên ngoại ngữ có cơ hội giao lưu với sinh viên quốc tế, trau dồi khả năng ngoại ngữ và am hiểu thêm về văn hóa các dân tộc, tạo cơ hội cho sinh viên của Khoa được giao lưu, trao đổi với các trường đại học quốc tế.